Tham gia các cuộc thi học sinh giỏi văn huyện và đạt giải, tôi được giới thiệu vào Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ Nhà thiếu nhi tỉnh. Những ngày đầu nhút nhát, đứng giữa những bạn nhỏ thành phố tự tin, hoạt bát, tôi không dám mở miệng dù chỉ để giới thiệu tên. Sau buổi sinh hoạt, khi tất cả mọi người đã ra về, tôi mới đến gần chị chủ nhiệm và bẽn lẽn: “Dạ em tên là K.H, em học trường THCS.QH chị ạ!” Chị chủ nhiệm nhìn tôi cười âu yếm: “Tự tin lên em. Hãy viết thật nhiều vào nhé!” Nhà thiếu nhi tỉnh cách nhà tôi gần mười cây số. Cứ mỗi cuối tuần tôi lại lọc cọc đạp xe xuống giao lưu, sinh hoạt tập thể, học cách viết báo và gửi những bài viết ngây ngô đầu tiên của mình. Dần dần, tôi cảm thấy thân quen với câu lạc bộ và các bạn nhỏ ở đây. Chúng tôi cùng nhau viết, cùng nhau tìm ý tưởng và đọc những bài viết của mình cho nhau nghe. Cái giây phút bài viết của mình được phát thanh trên Đài VOV Trung ương có lẽ sẽ là dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời tôi. Vài năm sau đó, anh Thành - hàng xóm nhà tôi đi làm ăn ở Trung Quốc về tíu tít khoe: “Hồi đó anh nghe tên em trên đài phát thanh Việt Nam mình đấy! Anh nói với mấy bạn anh đó là con nhỏ hàng xóm nhà tôi và tụi nó không tin…” Khỏi phải nói tôi đã sung sướng biết nhường nào. Nó thôi thúc tôi đi và viết nhiều hơn nữa. Những điều tôi nhìn thấy, những người bạn tôi gặp đều trở thành đề tài để tôi vùng vẫy. Các anh chị trong câu lạc bộ luôn tạo điều kiện để chúng tôi có những chuyến đi xa, gặp gỡ với những mảnh đời bất hạnh, dạy cho chúng tôi cách viết báo sao cho hấp dẫn, dạy cách quay phim, cách ghi âm,… Biết bao nhiêu điều thú vị mà những “phóng viên nhỏ” như tôi có cơ hội được học. Những đồng tiền nhuận bút đầu tiên, tôi gửi cậu mua thêm báo về đọc. Cậu tôi đi làm ở dưới thành phố, gần bưu điện tỉnh. Lúc đó, bưu điện tỉnh giống như thiên đường với tôi vậy. Ở đó, biết bao nhiêu là chủng loại báo. Báo nào cũng khiến tôi say mê, hào hứng.
Cuối năm, tôi được Đài phát thanh tỉnh gửi thư mời tham gia Lễ tổng kết. Con bé người nhỏ thó bước vào khán phòng. Xung quanh là các bác, các cô, các chú, các anh chị đồng nghiệp lớn tuổi, chững chạc và nghiêm nghị. Ai cũng nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn tò mò. Sau mỗi câu hỏi thăm, tôi lại dõng dạc trả lời “Cháu là phóng viên nhỏ ạ” khiến ai cũng cười ồ lên thích thú. Lần đó, tôi được Đài phát thanh tuyên dương và tặng một chiếc đồng hồ treo tường rất to. Ba tôi đặt nó ngay giữa lối vào nhà. Mỗi lần có khách đến chơi, ba lại khoe “sự tích chiếc đồng hồ” và tự hào kể về hành trình làm báo của cô con gái nhỏ.
Giờ đây, có thể các bạn nghĩ rằng tôi của ngày hôm nay chắc đã trở thành một cô phóng viên lớn. Sự thật là tôi đang làm việc trong một lĩnh vực không liên quan đến báo chí. Nhưng điều đó không hề ngăn cản tôi đọc báo và tiếp tục viết báo. Nó đã trở thành một thói quen không thể nào từ bỏ. Cuối tuần hay vào những dịp nghỉ lễ, tôi lại xách xe lên để đi và viết. Những chuyến đi xa, những cuộc gặp gỡ với những người bạn “trước lạ sau quen” giống như những thứ gia vị. Nó nêm nếm cho cuộc sống của tôi hấp dẫn và đầy màu sắc.
Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, tôi lại miên man nhớ về khoảng thời gian hạnh phúc khi được làm “phóng viên nhỏ”. Cái tuổi nhìn đời bằng đôi mắt hồn nhiên, trong sáng. Những trang viết ngây ngô, câu chữ giản dị, mộc mạc mà mỗi lần lấy ra đọc lại tự dưng bật cười. Những kỷ niệm về một thời nghèo khó nhưng không thể ngăn được niềm yêu thích với báo chí cứ thế ùa về.
Vào những ngày này, nếu có ai hỏi tôi đang làm gì, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng: “Tôi là phóng viên nhỏ”.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Khánh Hòa (Theo CLB Phóng viên nhỏ)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn