Phương pháp dạy con truyền thống của người Việt xen lẫn ưu và khuyết điểm. Thay vì áp đặt, đòn roi, cần lắng nghe, tôn trọng con và từng bước tập cho con cách tôn trọng người khác.
Xã hội phát triển, cha mẹ bận rộn với các mối quan hệ xã hội và công việc khiến họ có ít thời gian hơn bên con cái. Nhiều bậc cha mẹ cũng yêu cầu con học tập, rèn luyện theo ý thích của mình mà bỏ qua đặc điểm cá nhân, sở thích của con.
Điều này có thể tạo nên những đứa trẻ thông minh nhưng thụ động, thiếu bản sắc. Hiểu con từ nhiều góc nhìn, lắng nghe và tôn trọng sự phát triển của trẻ là những điều rất cần thiết. Cụ thể qua những gợi ý sau:
Mở rộng góc nhìn để thấu hiểu con
Khoảng cách thế hệ vẫn là trở ngại chính để phụ huynh có thể thấu hiểu con cái. Khoảng thời gian 20-25 năm trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng như hiện nay khiến cha mẹ khó có thể hiểu hết tâm tính của con, hoặc cha mẹ nhìn nhận về con cái theo cách nghĩ riêng của họ.
Thay vì phán xét theo quan điểm của mình, hãy đặt bản thân vào nhiều vai khác nhau để có thể hiểu con hơn. Hãy vừa là cha mẹ, vừa là bạn của con.
Trẻ có xu hướng đồng nhất hóa hành động của người lớn, cho nên người lớn cần lưu tâm hành động của mình trước mắt trẻ cũng có thể gây hệ quả tiêu cực lâu dài.
Trần Nam (thạc sĩ xã hội học Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM)
Cho con trải nghiệm nhiều môi trường
Trẻ cần được khám phá chính bản thân mình và cha mẹ nên là người khuyến khích trẻ phát triển theo hướng mà trẻ cảm thấy yêu thích. Cha mẹ không nên áp đặt trẻ chỉ theo những điều mình cho là đúng vì như vậy sẽ làm trẻ trở nên thiếu tự tin.
Môi trường đô thị trẻ được khám phá nhiều về kỹ thuật, giải trí, hưởng thụ nhưng lại thiếu đi những trải nghiệm ở môi trường thiên nhiên, văn hóa nông thôn... Cho trẻ trải nghiệm và học hỏi về thiên nhiên, lối sống, phong tục, tập quán, phương thức sinh kế từ những chuyến đi là điều giúp cho kỹ năng, thái độ của trẻ trở nên hài hòa, toàn diện và đặc biệt trẻ sẽ yêu quê hương đất nước hơn.
Cha mẹ hãy cho con làm các bài tập đóng vai như trở thành giáo viên, bác sĩ, chú bộ đội, kỹ sư, người bán hàng... để con có thể khám phá bản thân mình.
Chia sẻ với các bậc phụ huynh khác
Việc trao đổi thông tin về nuôi dạy con cái với các phụ huynh khác cũng là điều rất nên làm. Điều này sẽ giúp cha mẹ tham khảo cách nuôi dạy con cái của người khác, cũng như có thể so sánh để nhận biết được quá trình phát triển nhận thức, kỹ năng của con mình có thực sự ổn không.
Đừng so sánh con mình với người khác ngay trước mặt con vì điều này có thể khiến đứa trẻ trở nên thiếu khiêm tốn hay tệ hơn là cảm thấy thua kém, tự ti.
Mỗi trẻ em là một thế giới sống động
Thế giới tâm hồn của trẻ em là những điều lý tưởng, đầy trí tưởng tượng và màu sắc. Điều này là kết quả của quá trình truyền dạy những điều tốt đẹp nhất cho trẻ từ cha mẹ, ông bà, thầy cô hay những thước phim mang tính giáo dục...
Nếu cha mẹ biết khuyến khích trẻ hướng đến lối suy nghĩ và phương thức hành động tốt đẹp thì dần dà sẽ hình thành nhân cách hướng thiện cho trẻ. Từ cội rễ ấy trẻ sẽ tự khắc làm những điều mà mình cho là đúng, là tích cực và có ích cho xã hội.
Cha mẹ cũng cần lưu ý đừng giáo dục hay kể cho trẻ quá sớm những thực tế xã hội tiêu cực vì điều này có thể làm hình thành tâm lý lo sợ và chống đối xã hội sớm, hay trẻ trở nên già trước tuổi, thiếu đi ký ức sống động về tuổi thơ.
Trẻ hạnh phúc khi được khẳng định mình
Trong quá trình xã hội hóa, đứa trẻ sau khi được dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản và sơ khởi sẽ bắt đầu thực hành và nhận ra kết quả mình làm. Là người có đầy đủ kiến thức và kỹ năng hơn trẻ, cha mẹ hãy ghi nhận, khen ngợi con khi trẻ làm thành công một việc gì đó. Nếu đứa trẻ được ghi nhận, nó sẽ cảm nhận mình là người hữu ích, có kỹ năng và tự tin.
Đôi khi cha mẹ cũng nên đưa ra chế độ thưởng cho những hành động thành công ấy. Cũng cần lưu ý hạn chế thưởng bằng tiền, hiện vật quá nhiều sẽ tạo thói quen đòi hỏi vật chất ở trẻ. Nhiều khi cha mẹ ôm con vào lòng kèm theo lời khen chính là phương cách phát triển tâm hồn tốt cho trẻ.
Nhu cầu được tôn trọng
Phương pháp dạy con truyền thống của người Việt xen lẫn ưu và khuyết điểm. Có thể kể đến một số khuyết điểm như: việc dạy dỗ bằng đòn roi có thể hình thành căn tính bạo lực và trẻ có thể xem bạo lực là cách xử lý tình huống bình thường; quyền của trẻ em là yếu, khó được lắng nghe và tôn trọng bởi người lớn; sự áp đặt và mệnh lệnh khiến trẻ thiếu tự tin...
Các bậc cha mẹ hiện nay cần đặt con vào vị trí thích hợp với nhiều quyền hơn, được lắng nghe, được tôn trọng và từng bước tập tính cách tôn trọng người khác.
TRẦN NAM (Thạc sĩ xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM)