Video clip
Lượt truy cập website
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay2,579
  • Tháng hiện tại73,904
  • Tổng lượt truy cập2,270,131
BÌNH CHỌN

Đánh giá của bạn về Website này?

Trẻ thích ganh đua, nên kích hay kiềm hãm?

Chủ nhật - 31/12/2017 21:05

Trẻ thích ganh đua, nên kích hay kiềm hãm?

Trẻ ganh đua quá mức sẽ tự đặt lên mình một gánh nặng vô hình, dẫn tới cạn kiệt sinh lực cũng như đánh mất tinh thần đồng đội. Cha mẹ nên làm gì?

 

Trẻ ganh đua luôn chủ động, tự giác để đạt kết quả tốt nhất, nhưng nếu tính ganh đua quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến trẻ - Ảnh: USA Today
Trẻ ganh đua luôn chủ động, tự giác để đạt kết quả tốt nhất, nhưng nếu tính ganh đua quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến trẻ - Ảnh: USA Today

Không ít bậc cha mẹ phân vân về cách giáo dục khi con trẻ nhà mình có tính ganh đua, chỉ muốn mình hơn người khác, luôn căng thẳng, lo lắng và cảm thấy bất an khi mình thua kém một ai đó.

Tuy nhiên, đặt vào trường hợp có một vài đứa trẻ không vui, không buồn khi chưa hoàn thành nhiệm vụ, dửng dưng, thờ ơ trước bất cứ cuộc thi đua nào, ai giỏi mặc ai thì còn khó giáo dục hơn rất nhiều.

Xét cho cùng, tính ganh đua trong chừng mực nhất định sẽ là động lực giúp trẻ tiến lên, cha mẹ hãy khéo léo để lúc nào nên kích và lúc nào nên hãm để mở rộng đường cho trẻ phát triển, hoàn thiện mình.

Thực tế cho thấy trẻ thích ganh đua luôn chủ động trong việc hoàn thành nhiệm vụ, tự giác trong suy nghĩ để tìm ra cách thức nào đem lại kết quả tốt nhất, nhanh nhất có thể.

Mối nguy hại chỉ có thể xảy đến khi trẻ đẩy tình trạng đua tranh đi quá xa và không biết lúc nào dừng lại. Lúc đó, mọi thứ trở nên căng thẳng và người bị tổn thương nhiều nhất lại chính là trẻ vì bên ngoài xã hội luôn có những người ưu việt hơn trẻ.

Chính lúc đó, cha mẹ cần "ra tay" để giúp con học cách kiềm chế tinh thần ganh đua, chạy theo thành tích người khác để chiến thắng chính bản thân mình.

Dạy con hiểu được hệ lụy của sự ganh đua. Do khả năng nhận thức và kinh nghiệm sống của trẻ còn hạn chế, nên có nhiều trẻ có thể không hiểu tại sao việc mình nỗ lực ganh đua quyết liệt lại khiến cho mọi người xa lánh nó.

Cha mẹ hãy khéo léo nói rõ cho trẻ hiểu nếu con chỉ biết ganh đua, luôn lo sợ người khác hơn mình, con sẽ gây ra tâm lý căng thẳng và các bạn sẽ bỏ rơi con một mình: "Không ai muốn chơi với một người suốt ngày chỉ muốn mình là nhất" hoặc "Các bạn sẽ rất ngại đến gần một người luôn nghĩ cách giành giật việc thắng cuộc"…

Trẻ ganh đua quá mức sẽ tự đặt lên mình một gánh nặng vô hình, dẫn tới cạn kiệt sinh lực.

Do đó, cha mẹ hãy để ý tới những rắc rối trong việc ngủ nghỉ, không tập trung, thái độ tiêu cực, hay đổ lỗi cho người khác… để điều chỉnh cho con dành nhiều thời gian hơn vào giải trí và vui chơi cùng bạn bè.

Đề cao sự cảm thông, tinh thần đồng đội. Cha mẹ nên chúc mừng khi con hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhất là khi con phấn đấu để lọt tốp cao ở lớp, ở trường.

Tuy nhiên, điều mà phụ huynh nên nhấn mạnh và chú trọng là khen ngợi kịp thời tất các cử chỉ, hành vi biểu lộ sự cảm thông, quan tâm, tinh thần đồng đội và truyền lửa cho các trẻ khác. Khẳng định với trẻ rằng thắng lợi và thành công lớn nhất của con chính là tinh thần đồng đội.

Đồng hành với trẻ. Phải thừa nhận rằng ngày nay trẻ chịu áp lực quá nhiều trong quá trình phát triển. Dù gia đình ít chạy theo thành tích đi nữa thì quá trình giáo dục ở nhà trường, ở các khóa đào tạo ngắn hạn cũng khiến trẻ dễ bị cuốn theo vòng xoáy ganh đua để khẳng định mình.

Nếu con nhà bạn là một đứa trẻ ganh đua quyết liệt, trẻ không cần bạn phải hối thúc hành động. Điều trẻ cần giúp đỡ là có cha mẹ đồng hành, định hướng, giảm nhẹ gánh nặng, chú trong xây dựng cuộc sống vui tươi, học hỏi tinh thần chung sức và hỗ trợ lẫn nhau.

Khuyến khích trẻ "chạy đua" với chính mình. Hãy hướng trẻ đến mục tiêu vượt thành tích trước đó của chính mình và tiếp tục cải thiện, nâng cao những gì mình đang có.

Bằng cách này, trẻ sẽ ngày càng tiến bộ hơn thay vì nhằm vào thành tích của trẻ khác. Trẻ sẽ biết cố gắng viết chữ đẹp hơn, làm toán nhanh hơn, nói tiếng Anh chuẩn hơn…

Sự thay đổi về mục tiêu ganh đua này sẽ vừa làm tăng thêm lòng tự trọng của trẻ, vừa làm cho các mối quan hệ tình bạn của trẻ thêm gắn kết.


Tác giả bài viết: LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (giảng viên tâm lý)

Nguồn tin: Theo Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
bang doc w1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây