Sự kiện “Webinar Lost in Transition: Mình là ai trong bình thường mới?”
Cảm xúc tiêu cực, stress, lo âu, trầm cảm, nghiện internet, mất định hướng,… Đó là cảm xúc của hầu hết các bạn trẻ khi phải thích nghi với sự dịch chuyển liên tục giữa những ngày tháng giãn cách và làm quen với những xu hướng bình thường mới. Chính vì vậy “Webinar Lost in Transition: Mình là ai trong bình thường mới?” đã được tổ chức qua hình thức Zoom Webinar vào tối 17/10 vừa qua. Sự kiện được tổ chức bởi 4 dự án về tâm lý học và sức khỏe tâm thần Gleam of Mind, Teen Wellness, Đu Đủ và Blueblue Hotline, nhằm mang đến sự an ủi, cảm thông và những lời khuyên quý giá để các bạn có thể vượt qua giai đoạn này.
Thế nhưng để giải quyết vấn đề này, cô Nguyễn Thị Chính (Tiến sĩ Tâm lý học tại Khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: “Trước hết chúng ta cần phải nhận thức được tình hình và tìm cách thích nghi với những sự thay đổi mới này. Điều chỉnh suy nghĩ, tìm lại trạng thái tích cực thông qua một số hình thức như thiền, tập thể dục, tham gia các hoạt động công tác xã hội. Việc tham gia vào công tác xã hội sẽ giúp ích chúng ta trong việc giải tỏa căng thẳng”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Chính đưa ra một số nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc của các bạn trẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Chính đưa ra một số biện pháp khắc phục trạng thái căng thẳng sau dịch.
“Ngày nay công nghệ là một phương tiện hữu ích giúp các bạn duy trì quan hệ với những người yêu quý. Các bạn có thể duy trì, kết nối với xã hội bằng cách gián tiếp qua nhiều phương tiện như gọi điện, nhắn tin hỏi thăm bạn bè. Và điều gần nhất là tăng cường giao tiếp với những người thân trong gia đình. Phương pháp chia sẻ và kết nối với người khác là một giải pháp tốt cho tinh thần của các bạn”, Cô Phạm Thị Bích Hồng (Thạc sĩ Giáo dục, Nghiên cứu sinh Tâm lý tại Hà Nội) nói thêm.
Thạc sĩ Phạm Thị Bích Hồng chia sẻ thêm cách vượt qua giai đoạn khủng hoảng sau đại dịch.
Hậu giãn cách nhiều bạn trẻ cảm thấy bị lạc lõng, mất phương hướng, không biết mình là ai dẫn đến trạng thái căng thẳng hay buồn rầu. “Đứng trước một thời kỳ mới, chúng ta luôn tự hỏi ‘Mình là ai?’. Để tìm được câu trả lời chúng ta phải biết đứng lên và đi trải nghiệm, thử sức bản thân ở nhiều lĩnh vực để tìm ra mình phù hợp với cái gì. Mỗi người đều có khả năng tự quan sát chính bản thân mình, và hãy tham khảo thêm từ lời nhận xét của những người xung quanh. Từ đó, đúc kết và trả lời cho câu hỏi ‘Mình là ai?’”, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Chính đưa ra lời khuyên.
Đồng thời, hậu dịch Covid-19, không ít các bạn trẻ đã quen với lịch học và làm việc trực tuyến tại nhà nên khi phải quay trở lại trạng thái bình thường khó mà thích ứng kịp. Cô Phạm Thị Bích Hồng (Thạc sĩ Giáo dục, Nghiên cứu sinh Tâm lý tại Hà Nội) cho biết: “Đây là giai đoạn các bạn cần phải linh hoạt trong việc thích ứng. Để sắp xếp lại thời gian một cách hiệu quả các bạn cần phải tự lập cho mình một thời gian biểu và danh sách những việc cần làm rồi từng bước hoàn thành. Đồng thời phải luôn giữ cho mình một trạng thái tích cực và lan tỏa hy vọng đến với mọi người”.
Khi ở nhà mùa dịch chúng ta cũng không tránh khỏi việc mất kiểm soát cảm xúc bản thân, tự dưng cáu gắt, nổi nóng với mọi người xung quanh. “Để giải quyết vấn đề này trước tiên các bạn cần kiềm chế cảm xúc của bản thân để tránh gây ra sai lầm. Sau đó tự vấn bản thân, phân tích tại sao mình lại có những cảm xúc như vậy. Cuối cùng là đương đầu với cảm xúc, kiểm soát, điều chỉnh lại suy nghĩ. Nếu mỗi khi tức giận các bạn hãy tự nhắc nhở với bản thân ‘Đừng hành động khi nóng giận’”, chia sẻ từ Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Chính.
Nguồn tin: Theo Mực Tím
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn