Video clip
Lượt truy cập website
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay2,581
  • Tháng hiện tại73,906
  • Tổng lượt truy cập2,270,133
BÌNH CHỌN

Đánh giá của bạn về Website này?

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ ba - 10/08/2021 22:14
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP (25/8/1911 - 25/8/2021)
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước.
Từ năm 1925 đến 1926, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam); năm 1930, bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh; năm 1936, hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên báo của Đảng như: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”... Tham gia phong trào Đông Dương đại hội; được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.
Tháng 6/1940, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đầu năm 1941, Đồng chí về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng; năm 1942, phụ trách Ban xung phong Nam tiến, tuyên truyền giác ngộ Nhân dân, tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng về Thái Nguyên.
Tháng 12/1944, Đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Đồng chí được cử vào Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Từ tháng 5/1945, là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6/1945, được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng Việt Bắc.
Tháng 8/1945, được Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương cử vào Ban Chấp hành Trung ương và là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, Đồng chí được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 1/1946, Đồng chí được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I; tháng 3/1946, là Chủ tịch Quân sự ủy viên Hội, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương; tháng 10/1946, Đồng chí là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam (Đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ 10/1946 - 8/1947; 8/1948 - 12/1979).
Tháng 1/1948, Đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, Đồng chí là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, VI của Đảng, Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.
Từ tháng 1/1980, Đồng chí là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
Đồng chí liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
Đồng chí từ trần vào lúc 18 giờ 9 phút ngày 04/10/2013 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.
Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
          II. NHỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN, ĐẶC BIỆT XUẤT SẮC CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN TA
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh
          Sinh ra từ vùng quê giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột đã nung nấu trong Võ Nguyên Giáp ý chí sôi sục và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1925, khi còn là học sinh, do sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở trường Quốc học Huế; tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (năm 1927); tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế (năm 1930). Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, Đồng chí được trả tự do. Khi ra tù, mất liên lạc với tổ chức, Đồng chí ra Hà Nội dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh, đồng thời tiếp tục học Đại học Luật và Kinh tế.
Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11/1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.
Tháng 12/1944, Đồng chí được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó, Đồng chí đã chỉ huy Đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần. Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ; dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cương vị Tổng tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, Đồng chí đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) giành thắng lợi. Với vai trò là Tổng Tư lệnh chiến dịch, Bí thư Đảng ủy, Đồng chí đã chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng, như: Chiến dịch Biên Giới (9-10/1950), Trung Du (12/1950), Đồng Bằng (5/1951), Hòa Bình (12/1951- 2/1952), Tây Bắc (10-12/1952), Thượng Lào (4-5/1953). Đặc biệt, năm 1954 được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đồng chí đã chỉ huy các đại đoàn của Quân đội và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta.
Hiệp định Giơnevơ ký kết chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ đã nhanh tay hất cẳng Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước tình hình cách mạng mới, Đại tướng đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương (đến năm 1978), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.
Năm 1980, Đại tướng thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó Thủ tướng phụ trách khoa học - kỹ thuật.
Năm 1991, Đại tướng nghỉ hưu ở tuổi 80. Từ năm 1992 đến lúc từ trần, Đại tướng là Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ nhiệm Đề tài: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, kiêm cố vấn chương trình khoa học cấp Nhà nước về “Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”; Chủ tịch danh dự Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Chủ tịch danh dự Hội khuyến học Việt Nam; Chủ tịch danh dự Quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam; Chủ tịch danh dự Hội Cựu giáo chức Việt Nam. 
Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời tận tụy hy sinh, một lòng, một dạ phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cộng sản. Dù trong lúc cách mạng gặp thuận lợi hay khó khăn, Đồng chí vẫn tin tưởng, thủy chung, son sắt với Đảng, với Nhân dân, đúng như lúc sinh thời Đồng chí đã từng nói “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. 
Đại tướng là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chín năm, Đại tướng được sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ, được Bác Hồ giáo dục, rèn luyện và trao cho nhiều trọng trách trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao... Đại tướng đã nỗ lực phấn đấu học tập ý chí, tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống của vị Lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, luôn luôn tu dưỡng rèn luyện, nói và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất coi trọng tổng kết thực tiễn và chính từ đó Đồng chí càng hiểu sâu sắc hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng chí là một trong những người sớm nghiên cứu và viết về Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách cơ bản, toàn diện, hệ thống và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt đã góp phần xây dựng nền móng cho bộ môn khoa học Hồ Chí Minh học. Với ba chuyên luận: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, “Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”, “Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong thời kỳ mới.
Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quân sự là mạch xuyên suốt chủ đạo trong quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng vẫn luôn nhắc nhở chúng ta điều có ý nghĩa quyết định trong việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là phải làm theo và làm đúng tư tưởng của Người.
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh - Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có công lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh, góp phần quyết định cùng toàn dân đánh thắng hai đế quốc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đảm nhiệm trọng trách lớn lao khi tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi); song với sự học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Với 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đồng chí luôn tỏ rõ là nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; được cán bộ, chiến sĩ Quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người Anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao, đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại. Từ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên chỉ với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, rồi từng bước lớn lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến, kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ kính yêu và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ ở châu Á đã đánh bại quân đội của một cường quốc châu Âu.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Đại tướng là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng Quân đội Nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng. Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất ra việc khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh đề xuất trên của đồng chí Tổng Tư lệnh là sáng tạo và chính xác, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn chiến trường, đáp ứng nhạy bén yêu cầu của sự phát triển quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh vào thời điểm đó.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một thiên tài quân sự đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những chiến công hiển hách
Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử dân tộc; trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự thời đại… và nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo Nhân dân thế giới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chuyên gia lỗi lạc hàng đầu về đường lối chiến tranh Nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới. Đó là nghệ thuật đánh lâu dài để chuyển hóa so sánh lực lượng khi lực lượng ban đầu của ta còn nhỏ yếu; đó là nghệ thuật chớp thời cơ để giành lấy thắng lợi có tính chiến lược làm xoay chuyển cục diện chiến tranh; đó là nghệ thuật xây dựng, tổ chức và sử dụng kết hợp lực lượng vũ trang ba thứ quân, nghệ thuật tổ chức, sử dụng quân đội, từ quy mô nhỏ bé ban đầu tới hình thành trên thực tế các quân, binh chủng, các binh đoàn chủ lực - những quả đấm thép quyết định thắng lợi trên chiến trường; đó là nghệ thuật luôn chủ động về chiến lược và chiến dịch, phân tích và đánh giá đúng tình hình với tư duy chiến lược sắc sảo, phán đoán đúng, dự báo sớm âm mưu và hành động của đối phương để chủ động về lực lượng, thế trận và cách đánh; đó là nghệ thuật tổ chức bảo đảm hậu cần chiến lược và chiến dịch…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược kiệt xuất, bậc thầy về chiến lược, chiến thuật quân sự. Đại tướng là vị tướng tài ba, người cầm quân rất cẩn trọng trong so sánh tương quan lực lượng đôi bên, luôn chủ động bắt buộc đối phương bị động thay đổi thế cờ, đánh theo cách đánh của ta, vì thế mà phá sớm về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, dẫn đến thất bại hoàn toàn của địch. Điển hình, đó là quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là quyết định chọn đúng hướng đột phá chiến dịch vào Buôn Ma Thuột - Tây Nguyên; kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược, đề nghị chuyển sang kế hoạch sớm giải phóng miền Nam trong năm 1975; kịp thời chỉ đạo mở các chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và giải phóng quần đảo Trường Sa, phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa…” cho toàn quân xốc tới; ra lệnh cho cánh quân phía Đông tiếp tục phát triển tiến công, không chờ đợi để nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn, cùng với 4 cánh quân khác mãnh liệt đánh vào sào huyệt địch trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong các chiến dịch lớn có tính chất quyết định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện sự quyết đoán, sắc bén và có tư duy quân sự, chiến thuật, tài chỉ huy đặc biệt.
Những kiến thức và tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều do tự học từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới; tự rèn luyện, tự đúc rút kinh nghiệm qua thực tế chiến đấu của Quân đội ta mà nên. Chính điều ấy đã làm nên sự khác biệt của Đại tướng, khiến thế giới khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại... là một trong số ít những người có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử.  
4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người có công lao to lớn góp phần vào việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh Nhân dân độc đáo của Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
          Không chỉ là một thiên tài quân sự, trực tiếp tổ chức, kiến tạo những trận đánh lớn, đánh bại những danh tướng hàng đầu của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao đóng góp to lớn trong việc hình thành, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh Nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn. Học thuyết kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của cha ông chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới.
Đường lối chiến tranh của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã nêu rõ nhiều luận điểm rất cơ bản, như: phải tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; trường kỳ kháng chiến với tự lực cánh sinh là chính, viện trợ bên ngoài là quan trọng; xây dựng lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân (dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực), lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt; tiến hành chiến tranh du kích kết hợp chiến tranh chính quy với quy mô thích hợp trong từng giai đoạn; toàn dân đánh giặc với nhiều hình thức linh hoạt, lấy yếu địch mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy chất lượng tinh thắng số lượng đông, tập trung và phân tán lực lượng linh hoạt, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, giữ nghiêm kỷ luật và tuyệt đối bí mật, đánh chắc thắng; giành thắng lợi từng phần tiến lên giành thắng lợi toàn bộ…
Không chỉ kiên định và quán triệt sâu sắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã tiến hành đường lối chiến tranh Nhân dân hết sức độc đáo, sáng tạo, sinh động và đầy hiệu quả. Đồng chí hết sức coi trọng việc xây dựng tổ chức đảng “trong sạch, vững mạnh” trong các lực lượng vũ trang, đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu, chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến; giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đại tướng kết hợp rất chặt chẽ, khéo léo đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, ngoại giao, tư tưởng, văn hóa; quốc phòng với kinh tế, an ninh… để đạt được kết quả toàn diện trên cả hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, đứng đầu là Lãnh tụ  tối cao Hồ Chí Minh, cùng với Quân đội và Nhân dân Anh hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điều hành cuộc chiến tranh toàn dân thần kỳ của dân tộc Việt Nam đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Đường lối ưu việt của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ đã đánh bại và làm phá sản hoàn toàn đường lối chiến lược tốc chiến, tốc thắng và các chiến lược khác của những đế quốc hùng mạnh nhất (Pháp và Mỹ) ở thế kỷ XX. Đây là sự kiện có một không hai trong lịch sử quân sự thế giới.
5. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà văn hóa lớn, có những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực giáo dục, báo chí, ngoại giao, lịch sử… và phong trào cách mạng thế giới
Không chỉ tỏa sáng rực rỡ trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Đại tướng đã dành nhiều tâm sức cho việc viết hồi ký và lịch sử. Những tác phẩm của Đại tướng, như: “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, “Tổng Hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”... đã giúp người đọc cả trong và ngoài nước càng hiểu sâu hơn về bản sắc, truyền thống văn hóa, nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, càng thêm yêu mến, khâm phục đất nước và con người Việt Nam.  
Đồng chí Võ Nguyên Giáp không chỉ là một Đại tướng lừng lẫy của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà trong các lĩnh vực khác, như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử…, Đồng chí đều có nhiều đóng góp quan trọng, thực sự là con người tài - đức vẹn tròn, văn - võ song toàn.
Khi là giáo viên dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội (5/1939), thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã mang bầu nhiệt huyết cách mạng của mình để cùng với đồng nghiệp truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước thương dân, khơi dậy lòng nhiệt tình và lối sống có trách nhiệm với bản thân, với quê hương, với dân tộc. Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, Đại tướng đã nhiều lần phát biểu những ý kiến tâm huyết của mình để chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển khoa học - kỹ thuật của đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà báo chính luận sắc sảo từ khi còn rất trẻ. Bài báo đầu tiên của Đồng chí bằng tiếng Pháp được gửi đăng trên tờ báo L’Annam ngày 24/3/1927 do Luật sư Phan Văn Trường ở Sài Gòn làm chủ nhiệm với tựa đề “Đả đảo tên tiểu bạo chúa ở trường Quốc học!” đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người làm báo lúc bấy giờ. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936 - 1939, Đồng chí thành lập báo “Hồn trẻ”; cùng một số đồng chí sáng lập và làm biên tập viên cho các tờ báo công khai hồi đó, như: “Tiếng dân”, “Tiếng nói của chúng ta”, “Lao động”, “Tiến lên”, “Tập hợp”…; cùng đồng chí Trường Chinh biên soạn tác phẩm “Vấn đề dân cày”, có giá trị lớn cho công tác chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta lúc bấy giờ. Tại Đại hội báo giới Bắc Kỳ lần thứ nhất họp ngày 24/4/1937, Đồng chí được bầu là Chủ tịch Báo giới Bắc Kỳ.
Trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà tổng kết lịch sử hàng đầu của nền sử học đương đại Việt Nam. Từ những bài viết về dân cày, về cách mạng tư sản Pháp và nhiều vấn đề có liên quan đến lịch sử trên các tờ báo đến những bài dạy sử trên bục giảng trường Thăng Long cho đến hàng trăm bài nói về lịch sử vào những dịp kỷ niệm các danh nhân hoặc sự kiện lịch sử hay các hội thảo khoa học... tập hợp lại đó là những thông tin, tư liệu, tài liệu về lịch sử vô cùng quý giá. Từ các bài tổng kết chiến tranh đến những công trình lý luận về quân sự, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về hai cuộc kháng chiến và đặc biệt là bộ Tổng tập hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là những công trình khoa học về những sự kiện lịch sử quan trọng nhất của nửa sau thế kỷ XX.
Trên lĩnh vực ngoại giao, Đồng chí cũng có những đóng góp rất quan trọng. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) non trẻ đứng trước những khó khăn bộn bề, vận mệnh dân tộc được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng chí Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (bao gồm Nội chính và Công an) được Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc này là Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) giao cho nhiều nhiệm vụ đối ngoại đặc biệt, như: tiếp xúc với Phái bộ Mỹ mới sang Việt Nam cùng những người Pháp trong máy bay, hay cuộc “chạm trán” với J. Xanh-tơ-ny tại phòng lớn của Phủ Toàn quyền, chuẩn bị tiến tới Hiệp định ngày 6/3/1946, cũng như gặp gỡ tướng Lơ-cléc sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, hay cuộc đấu trí và đấu lý ở Hội nghị Đà Lạt… những cuộc gặp gỡ đó, Đồng chí đã không bỏ bất kỳ cơ hội đàm phán nào để đi đến hòa bình nhằm thực hiện mục tiêu cao cả: độc lập và thống nhất đất nước.
Với phong trào cách mạng thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những đóng góp rất quan trọng, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống áp bức, bóc lột, bất công ở các nước thuộc địa châu Á, châu Phi, châu Mỹ la tinh. Điều này đã được các nhân vật, lực lượng chính trị và xã hội ở nhiều nước các châu lục thừa nhận.
6. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, Quân đội và bạn bè quốc tế
          Hơn 80 mươi năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta và Quân đội ta. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Đại tướng là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Tình thương yêu con người của Đại tướng được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước và đã để lại trong nhân dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời tận tụy hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, không màng chút danh, lợi riêng tư.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhớ, noi gương và thực hành lời căn dặn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng” (tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết), “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”… coi đó làm phương châm sống và phấn đấu trong suốt cuộc đời. Đại tướng không chỉ thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo của một nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược mà còn là người tổ chức, hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực; phong cách làm việc khoa học, nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt; luôn đề cao vai trò của tập thể, phục tùng tổ chức; luôn coi trọng thực tiễn, chịu khó học tập, lắng nghe ý kiến hay của quần chúng, của các chuyên gia, nhà khoa học…; luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng Nhân dân, liên hệ và gắn bó mật thiết với Nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt mọi công việc của Đảng, Nhân dân và Quân đội giao phó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Nhân dân hết lòng kính trọng, suy tôn là vị “Đại tướng của Nhân dân”. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội mến phục, suy tôn là “Người anh Cả” duy nhất của Quân đội ta, xứng đáng là “Chính ủy của các Chính ủy, Tư lệnh của các Tư lệnh, Tướng của các Tướng”, “Tổng Tư lệnh biết quý từng giọt máu mỗi chiến binh”. Thế giới cũng rất nể phục nhân cách, đức độ của Đại tướng, tôn vinh Đại tướng là Anh hùng dân tộc của Nhân dân Việt Nam.
Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. Hình ảnh và những cống hiến của Đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng Nhân dân và bạn bè quốc tế. Trong lời điếu trong Lễ quốc tang của Đại tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng Nhân dân, là vị tướng của Nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.
III. ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI QUÊ HƯƠNG QUẢNG BÌNH
          Quảng Bình là quê hương, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Đại tướng, cũng là nơi đã nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần, ý chí cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Chính tình yêu quê hương là động lực, là sức mạnh để đồng chí hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, cùng đồng bào cả nước đứng lên chống lại ách áp bức của thực dân, đế quốc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
          Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, bước chân Đại tướng đã in dấu trên mọi chiến trường,gắn bó với nhiều miền quê của Tổ quốc, đảm nhận nhiều trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhưng trái tim Đại tướng bao giờ cũng tha thiết với đồng bào, đồng chí và bà con cô bác ở quê nhà. Với quê hương, Đại tướng luôn dành những tình cảm chân thành,sâu đậm và sự quan tâm đặc biệt. Lúc sinh thời Đại tướng đã tâm sự “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”. Dù việc nước với bao bộn bề nhưng Đại tướng vẫn giành thời gian để nhiều lần được về thăm quê, đồng thời thường xuyên theo dõi và có hướng chỉ đạo từng bước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà.
Bước chân của Đại tướng đến đâu là mặn nồng đến đó, với những lời dặn dò chân tình, sâu sắc để lại trong lòng nhân dân, cán bộ, đảng viên chiến sĩ lực lượng vũ trang và anh hùng lao động nhiều tình cảm sâu lắng. Trong tim Đại tướng luôn chỉ có một mong muốn, đó là: Quê hương Quảng Bình một thời nổi danh “Hai giỏi” sẽ mãi mãi vươn lên, tiến đến dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm 1962, Đại tướng về thăm quê, đi thăm xã Cảnh Dương của huyện Quảng Trạch. Đại tướng biểu dương những thành tích trong chiến đấu, sản xuất của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Trạch nói chung và xã Cảnh Dương nói riêng. Đại tướng căn dặn, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trạch phải nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.
          Nhớ lại những ngày đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, trong đó có Quảng Bình, tháng 5 năm 1965, Đại tướng đã điện thoại chỉ đạo, căn dặn quân và dân Quảng Bình phải: phối hợp thật tốt; đánh thật tốt; tránh thật tốt; các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lực lượng an ninh thì ở lại, còn các cơ quan, xí nghiệp, nhân dân phải sơ tán tránh mọi tổn thất... nhờ đó mà quân và dân Quảng Bình đã không bị bất ngờ, chủ động đánh thắng trận đầu, bắn cháy 04 máy bay của đế quốc Mỹ, bắt sống 01 phi công Mỹ, các cơ quan, đơn vị và nhân dân Quảng Bình nói chung, Đồng Hới nói riêng được an toàn, giảm thiểu những thiệt hại do không kích của đế quốc Mỹ gây ra.
          Trong những năm tháng chiến tranh, mảnh đất Quảng Bình đã hứng chịu biết bao bom đạn của kẻ thù, song người dân Quảng Bình đã cùng với cả nước viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Cứ mỗi lần có chiến công, mỗi lần có đoàn đại biểu Quảng Bình lập được chiến công xuất sắc được ra báo công với Chính phủ, với Bác Hồ là Đại tướng đến động viên, khen ngợi và căn dặn Quảng Bình phải trở thành một tỉnh gương mẫu, đi đầu trong cả nước.
          Khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt nhất, vào ngày mồng một Tết Đinh Mùi (4/02/1967), sau khi hợp tác xã Quang Phú được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động năm 1966, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm xã Quang Phú (Đồng Hới). Nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Quang Phú, Đại tướng biểu dương thành tích của hợp tác xã: “Vừa qua Quốc hội, Chính phủ tặng cho hợp tác xã Quang Phú danh hiệu Anh hùng.Các đồng chí và bà con xã viên đã sản xuất tốt nhưng phải sản xuất tốt hơn nữa; phòng không nhân dân, chiến đấu chống Mỹ, vận tải và một số công tác tốt nhưng phải tốt hơn nữa. Hiện nay đã anh hùng rồi nhưng làm thế nào giữ và anh hùng lần thứ hai nữa...”. Phát huy truyền thống anh hùng trong sản xuất, nhân dân Quang Phú đã nỗ lực phấn đấu, đến năm 1972 Quang Phú lại được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Đại tướng mong đợi.
Năm 1967, sau chiến công bắn rơi máy bay Mỹ ngày 8/3/1967, Bác Hồ gửi 07 huy hiệu của Người thưởng cho 07 cô gái Cảnh Dương dũng cảm; chị Trương Thị Gấm - nữ dân quân trực chiến xã Cảnh Dương, đại diện cho cán bộ chiến sỹ dân quân xã Cảnh Dương (cầm theo 1 mảnh xác máy bay) ra Thủ đô Hà Nội báo công với Đại tướng. Đại tướng khen ngợi, biểu dương tinh thần chiến đấu quả cảm của đội dân quân xã Cảnh Dương, cũng như tinh thần chiến đấu của quân và dân Quảng Trạch góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ leo thang ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965 - 1968).
Năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chuyến đi khảo sát đường Trường Sơn. Khởi đầu từ đường 9 theo đường 24 ra đường 20 - Quyết Thắng dọc theo các trọng điểm: dốc Chà Là, đèo Phu La Nhích, ngầm Ta Lê, cua chữ A, dốc 68... nhân chuyến đi này, Đại tướng đã đến thăm, gặp gỡ và động viên anh chị em công nhân Đội vận tải Sông Gianh tại xã Quảng Thuận đã có nhiều đóng góp quan trọng làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hòn La (5/1972 - 01/1973). Đại tướng hỏi thăm, động viên, căn dặn anh chị em công nhân ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo thông tuyến, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, quân và dân Quảng Trạch nêu cao khẩu hiệu “mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận giao thông”, “mặt đường, mặt nước là chiến trường, tàu thuyền, phà xe là vũ khí”không quản ngày đêm lao động, khẩn trương thông xe, thông phà, thông tuyến, đảm bảo huyết mạch giao thông, vận chuyển chi viện cho chiến trường Miền Nam.
          Vào những năm 1980, khi đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Những lần về thăm quê, Đại tướng luôn dành nhiều thời gian để thăm những điển hình làm ăn tốt ở Quảng Bình và động viên mọi người học hỏi làm theo.
Tháng 3 năm 1985, Đại tướng về thăm, làm việc với huyện Quảng Trạch, đi thăm xã Cảnh Dương, Đại tướng đã ân cần thăm hỏi mọi mặt, từ tình hình chính trị, kinh tế đến đời sống xã hội và lưu tâm một số mặt chưa làm được của huyện nhà, đồng thời dặn dò một số vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng và củng cố tổ chức Đảng, chăm lo đời sống cho nhân dân, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng khai thác và phát huy thế mạnh của huyện, quan tâm đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Đại tướng nhắc nhở nên tập trung trồng rừng để phủ xanh đồi núi, phục vụ đời sống nhân dân;
Trong lần về thăm quê năm 1990, sau khi đến thăm khối cơ quan Mặt trận, Đoàn thể của tỉnh, Đại tướng đã dành nhiều thời gian để đến thăm, làm việc và trò chuyện với cán bộ Hội Nông dân tỉnh nhà. Đại tướng nói: “Tôi làm quân sự nhưng từng là chuyên gia dân cày nên rất quan tâm đến nông dân và công tác Hội Nông dân”. Đại tướng căn dặn: “Quảng Bình trong chiến tranh là tuyến lửa, bị tàn phá nặng nề. Bây giờ hoà bình rồi, nhưng Quảng Bình lại nằm trong vùng thiên tai khắc nghiệt, cát trắng, gió Lào, nền nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên, đời sống của bà con vì thế còn rất khó khăn, nghèo khổ. Hội Nông dân phải nỗ lực hơn nữa để vươn lên xây dựng Hội vững mạnh, làm tốt chức năng của mình, vận động bà con nông dân làm tốt thuỷ lợi, thâm canh các loại cây con có hiệu quả kinh tế cao để xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, Hội phải giáo dục nông dân chống cho được tư tưởng bảo thủ, phải tiếp thu khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất để có năng suất cao hơn. Làm thế nào để Hội phải là chỗ dựa vững chắc cho bà con nông dân vươn lên…”
Năm 1992, trong chuyến về thăm quê sau khi tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ, Đại tướng đã có buổi làm việc và dành cho lãnh đạo tỉnh những lời tâm sự chân tình: Tỉnh nhà mới lập lại, được Trung ương hết sức giúp đỡ đó là thuận lợi lớn. Muốn ổn định tình hình trước hết phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, chăm lo gia đình chính sách, gia đình neo đơn; yêu cầu mỗi huyện, mỗi xã phải kiểm tra lại mức sống của mỗi gia đình để có biện pháp giúp đỡ cần thiết. Về kinh tế, muốn đi lên thì phải phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, nếu độc canh, độc nông thì nghèo; nghiên cứu để phát triển kinh tế vùng gò đồi. Phải tăng cường kinh tế đối ngoại... Đại tướng nhắc tỉnh nhiều về phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ, chăm lo nguồn lực để phát triển bền vững, lâu dài. Về công tác xây dựng Đảng, Đại tướng chỉ rõ: Phải chăm lo công tác tư tưởng, lãnh đạo phải đảm bảo niềm tin cho nhân dân. Niềm tin bị xói mòn là điều rất không tốt cho lãnh đạo. Cán bộ phải lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà rèn luyện, phấn đấu...
Năm 1998, về thăm quê hương, dù tuổi già sức yếu, nhưng Đại tướng vẫn ra thăm cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” của xã Phong Thủy, nói chuyện với bà con nông dân đang thu hoạch lúa, Đại tướng ân cần căn dặn: Phải luôn nỗ lực lao động sản xuất để giữ cho được danh hiệu “Gió Đại Phong” như những năm tháng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tự hào là quê hương giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, cán bộ, nhân dân trong huyện cần đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương của cha ông, để không ngừng vun đắp cho sự lớn mạnh của huyện nhà.
Ra thăm dòng sông Kiến Giang - dòng sông với câu hò khoan êm đềm, sâu lắng, đã từng đi vào giấc ngủ của Đại tướng cũng như bao trẻ thơ, bao thế hệ, Đại tướng căn dặn lãnh đạo huyện phải có biện pháp để giữ cho dòng sông mãi mãi xanh trong, mãi mãi trong lành, thơ mộng, chống xói mòn, sạt lở và bảo vệ môi trường cảnh quan, xanh - sạch - đẹp và có chỗ để nhân dân đứng hai bên bờ cổ vũ cho Lễ hội bơi thuyền truyền thống của quê hương vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 hàng năm.
          Năm 1999, Đại tướng lại về thăm quê, đi thăm một số đơn vị, địa phương trong tỉnh, lần này tuy tuổi đã cao nhưng Người vẫn đau đáu lo lắng cho dân, cho nước, cho quê hương. Đại tướng đã hỏi cặn kẽ tình hình nhân dân vùng cát hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, đây là vùng khó khăn nhất từ xưa. Sau khi nghe báo cáo của huyện, Đại tướng đã biểu dương việc tỉnh ta trong mấy năm qua, đã đầu tư một số dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng cát, nhất là xây dựng các tuyến đường ra biển và cho rằng đó là việc làm sáng tạo, cần phát huy. Trong chuyến thăm quê lần này,       Đại tướng về thăm lại xã Quang Phú. Đại tướng dành thời gian thăm và nói chuyện với mẹ Nghèng - Người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Mẹ Nghèng không biên chế, không hưởng lương, nhưng có đến 40 năm trồng rừng chắn cát.
          Đại tướng hỏi thăm chuyện làng, chuyện xã, mừng Quang Phú ngày càng đổi mới và không quên dặn dò: “Bác Hồ nói vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người nên chúng ta phải trồng nhiều rừng hơn nữa, phải trồng cây gây rừng phủ xanh đồi cát. Trồng rừng cho con cháu đời sau hưởng lợi, hiệu quả của rừng phi lao chắn cát không phải ngày một ngày hai mà mãi mãi”.
Đại tướng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Một chuyện hết sức cảm động là, trong lần về thăm tỉnh ta tháng 8/1999, đúng ngày sinh nhật Đại tướng. Theo chương trình có nhiều đoàn đại biểu đến mừng thọ, nhưng được tin Trường THPT Đào Duy Từ kỷ niệm 40 năm thành lập, Đại tướng đã dành gần trọn buổi sáng 25/8 để đến thăm trường. Khi biết trường có em Trần Đức Long đạt giải học sinh giỏi quốc tế, Đại tướng đã cho gọi em lên lễ đài chụp chung ảnh kỷ niệm, tặng hoa, tặng quà...
Năm 2002, về thăm quê, đến nói chuyện với thầy và trò Trường Trung học phổ thông Chuyên Quảng Bình, Đại tướng ân cần dặn dò thầy và trò nhà trường phải nhận thức “Tri thức là của cải quý nhất của con người, của dân tộc và của nhân loại” và “chúc Trường Trung học phổ thông Chuyên Quảng Bình ra sức phấn đấu, các cô giáo, thầy giáo dạy giỏi, các em học sinh trai gái học giỏi, trở thành một trường chuyên gương mẫu, đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà và cả nước”. Trong dịp này, Đại tướng về thăm quê hương trước ngày Tết độc lập đúng 10 ngày. Năm đó, huyện Lệ Thủy quyết định tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống 2/9 sớm hơn so với mọi năm để đón Đại tướng. Hàng ngàn người dân Lệ Thủy bây giờ vẫn còn nhớ như in hình ảnh Đại tướng đứng trên ca nô chạy dọc sông Kiến Giang, tay vẫy chào mọi người. Dòng Kiến Giang lúc đó dậy sóng bởi tiếng hô vang “Hoan hô đại tướng! Hoan hô đại tướng!”.
Những lần về thăm quê hương, lần nào Đại tướng cũng nhắc nhở bà con họ hàng, con cháu ở An Xá, Lộc Thủy phải luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cố gắng lao động sản xuất và học tập để xứng đáng với truyền thống yêu nước của dòng họ, của quê hương. Đi thăm các vùng quê trong huyện Lệ Thủy, đến đâu Đại tướng cũng nhắc nhở cán bộ chính quyền phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, biết yêu thương dân, biết khơi dậy sức mạnh của sự đoàn kết để chung tay, góp sức xây dựng Lệ Thủy ngày càng giàu mạnh. Đại tướng chân tình nhắc nhở bà con Lệ Thủy - nơi chôn nhau cắt rốn của Người: Trong mọi hoàn cảnh bà con chúng ta phải luôn luôn cố gắng, không được đầu hàng trước hoàn cảnh và số phận. Phải biết tự lực cánh sinh, không được chủ quan, ỷ lại. Dân giàu thì nước mới mạnh, tự thân vận động là chính, ai cũng phải cố gắng vươn lên trên đôi chân của chính mình.
Trong chuyến về thăm quê hương lần cuối cùng vào tháng 11 năm 2004, các đồng chí lãnh đạo tỉnh mãi mãi không quên lời tâm sự của Đại tướng: "Dù ở xa nhưng trái tim tôi vẫn hướng về quê hương, có khá đầy đủ thông tin về Quảng Bình. Tỉnh nhà có những việc làm tốt, tôi vui, nhưng cũng buồn khi tỉnh nhà có những chuyện chưa hay…". Cũng trong chuyến về thăm quê lần này, khi biết cửa biển Nhật Lệ bị bồi lắng, làm cạn dòng chảy, Đại tướng đã nhắc nhở lãnh đạo tỉnh nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục để ngư dân ra vào cửa biển an toàn. Đại tướng băn khoăn khi biết có hiện tượng khai thác đá làm ảnh hưởng đến Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và đề nghị tỉnh cần sớm có quy hoạch tổng thể khu vực này.
Đại tướng đặc biệt quan tâm đến những vấn đề chiến lược lâu dài của tỉnh. Trăn trở lớn nhất của Đại tướng là Quảng Bình vẫn còn là tỉnh nghèo so với cả nước và người dân Quảng Bình phần lớn đang còn nghèo. Làm gì để thoát nghèo, vươn lên hoà vào sự phát triển chung của cả nước là vấn đề luôn được Đại tướng nhắc nhở trong những chuyến về thăm quê.
Những kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại tướng đều có thư chúc mừng và những lời căn dặn chí tình. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2005 - 2010), những lời căn dặn của Đại tướng cũng là những vấn đề mang tính chiến lược và thiết thực đặt ra cho Đại hội xem xét, quyết định: “Tôi mong Đại hội lần này hãy nhìn thẳng vào sự thật, nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình, phát huy dân chủ, bàn bạc để thấy rõ những nguyên nhân, đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn, sát thực tiễn, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng. Tỉnh Quảng Bình đã có truyền thống hết sức vẻ vang, trong kháng chiến đã được Bác Hồ khen: “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Phát huy truyền thống đó, ngày nay chúng ta phải quyết tâm chiến thắng bằng được nghèo nàn lạc hậu, vươn lên xây dựng cuộc sống mới ngày càng giàu mạnh, văn minh. Muốn vậy, tôi thấy vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với tỉnh là phải không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, trước hết là trong cấp uỷ. Phải coi trọng công tác cán bộ, chú trọng bồi dưỡng đào tạo thế hệ trẻ; sử dụng những cán bộ thực sự có đức, có tài”...
Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, trong những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết đồng lòng vượt qua những khó khăn, thử thách, tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày một đi lên, phấn đấu sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo như mong mỏi của Đại tướng.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, trên nền tảng vững chắc của tiến trình đổi mới, nhất là kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Quảng Bình đã có nhiều bước tiến vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng cả trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị.
Từ một nền kinh tế thuần nông, đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản22,59%, công nghiệp - xây dựng 28,44% và dịch vụ 48,97%; Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm (2016 - 2020) đạt 6,13%. Thu ngân sách trên địa bàn duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân 17,4% năm. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 đạt 22.352 tỷ đồng. Từ một địa phương thường xuyên phải đối phó với thiếu đói lúc giáp hạt, nay không những đã cân đối được nhu cầu tiêu dùng mà còn có khả năng sản xuất lương thực hàng hoá.
Công nghiệp đã có bước phát triển, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô lớn được hình thành. Một số sản phẩm công nghiệp đã khẳng định được thương hiệu và từng bước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại. Từ một tỉnh có cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay Quảng Bình đã có sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thuỷ lợi; các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư. Môi trường thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng, hấp dẫn, đã khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét. Có thể nói, đó thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 
Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, với vương quốc hang động độc đáo, kỳ vĩ, làm say đắm lòng người, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Tổng số khách du lịch đến tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19,7 triệu lượt khách; doanh thu tăng bình quân 9 - 10% năm.
 Trên cơ sở đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình luôn chăm lo phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Chính vì vậy, các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, khoa học công nghệ, văn hóa, văn nghệ, báo chí, phát thanh - truyền hình, thể dục, thể thao… ngày càng phát triển. Lần đầu tiên Quảng Bình có em học sinh Nguyễn Thế Quỳnh đoạt hai huy chương vàng Olympic Vật lý  quốc tế; có vận động viên trở thành vận động viên thể thao nam đầu tiên của nước ta đạt đẳng cấp quốc tế.
Công tác chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa được đặc biệt quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 2,1%/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 81/128 xã đạt nông thôn mới, đạt 61,72%, trong đó 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bộ mặt của tỉnh từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến bản, làng miền núi, vùng cao đang từng ngày khởi sắc.
Sức mạnh tổng hợp của tỉnh nhà đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho tỉnh ta tiếp tục đi lên với nhiều triển vọng tốt đẹp. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị ngày được nâng cao. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào chiều sâu. Bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Tinh thần đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ và nhân dân được củng cố vững chắc, trở thành động lực quan trọng để đưa Quảng Bình phát triển lên một tầm cao mới.
Ngôi nhà gắn bó với Đại tướng từ thuở thiếu thời và là nơi Đại tướng từ giã mái ấm thân thương để bước chân ra đi làm cách mạng nay đã được đầu tư tôn tạo, trở thành Khu Lưu niệm, thành nơi thăm viếng, điểm di tích giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong lời điếu Lễ quốc tang của Đại tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đồng chí in đậm trong lòng nhân dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.
*
*     *
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước và tỉnh ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; tiến hành thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa to lớn đối với cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước và trong Quân đội nhằm khẳng định, tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Đảng, dân tộc, Quân đội ta và phong trào cách mạng thế giới cũng như những tình cảm, lời chỉ bảo ân cần của Đại tướng đã dành cho quê hương Quảng Bình. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tư tưởng và đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay.
Học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, vững tin trên con đường đổi mới và phát triển./.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY QUẢNG BÌNH


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

bang doc w1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây