Sáng hôm sau khi bão tan tôi không còn nhận ra căn nhà thân yêu của mình nữa. Một khung cảnh hoang tàn đổ nát. Cây cối trong vườn ngả nghiêng, trơ gốc. Cả vườn rau sạch của bố tơi tả như vừa có một bàn chân của gã khổng lồ bước qua. Gà vịt chạy toán loạn tìm chỗ trú vì ngập nước. Dù đã được đậy bao cát rất kỹ lưỡng nhưng nhà tôi cũng bị cuốn bay một mảng ngói ở góc bếp.
Cơn bão lớn nhất trong 10 năm qua đã gây thiệt hại nặng nề. Quê tôi những ngày sau bão sống trong thời kì nguyên thủy. Không điện. Không nước. Cắt đứt hoàn toàn mọi liên lạc. Chỉ còn chiếc radio là vật dụng duy nhất để gia đình tôi nắm tình hình sau bão. Nhà bà Chín- hàng xóm cạnh nhà tôi không đủ sức chống đỡ cơn bão đã bị cuốn hết mái ngói. Mưa ào ạt cứ thế tràn vào ngập hết nhà cửa và vật dụng. Bà Chín là bà ngoại của Thành- bạn học cùng khối với tôi. Tôi không thích Thành vì cậu ta khét tiếng học dốt. Hàng ngày Thành thường chở xôi ra chợ cho bà sau đó mới tới trường. Lúc nào mặt cậu ta cũng lầm lầm lì lì trông rất khó ưa. Thành lại chuyên môn đến lớp trễ và thường đội sổ khối 7 ở các kì thi.
Thấy hàng xóm thiệt hại nặng nề, bố mẹ mời bà Chín sang nhà tôi ở tạm, đợi khắc phục lại nhà cửa. Nghe đến đây tôi nhảy cẫng lên như dẫm phải lửa. Không đời nào tôi lại chia phòng với đứa bạn học dốt nhất khối. Bạn bè chắc sẽ cười vào mặt tôi mất. Tôi ngúng nguẩy nhất quyết không chịu. Bố mẹ tôi thì chỉ xoa đầu tôi và cười: Không sao, rồi con sẽ quen mà.
Bữa cơm ngày bão thật đơn sơ giản dị. Ít cá khô dầm mắm, chút rau muống còn sót lại được bố luộc và lấy nước làm canh, lạc rang muối mè và cá mắm kho. Tôi nhăn mặt: “Không có món ưa thích của con.” Mẹ dỗ dành tôi, đó là những đồ có thể để lâu được nên tôi phải chịu khó. Bà Chín góp thêm ít nếp và đậu để bố nấu bữa sáng cho cả nhà. Thành cắm cúi ăn như thể cậu ta chưa bao giờ được ăn những món như thế. Tôi vừa ăn vừa tức anh ách trong bụng. Cơn bão xấu xa đã làm đảo lộn cuộc sống vui tươi của tôi - và nhất là xuất hiện thêm một đứa bạn chả ra làm sao trong nhà tôi.
Những ngày sau, bố và những người trong xóm sang phụ giúp bà Chín sửa lại mái ngói. Tôi ở nhà hết lăn lê đọc truyện tranh lại đi ra ngoài vườn lội nước. Cuộc sống không điện đúng là quá chán. Tôi không biết phải làm gì nữa. Tôi còn quá bé để có thể ra ngoài kia lợp ngói như bố hay vào bếp nấu ăn. Tôi nhớ trường học kinh khủng.
Thành vẫn thế, từ lúc sang nhà tôi chẳng nói chẳng rằng. Cứ sáng sáng cậu ta lại dậy rất sớm, mở bao đậu ra phân loại. Chiều chiều lại mon men mấy bờ sông nhặt mấy thanh củi đang trôi nổi vác về bỏ ở góc nhà. Tôi chẳng biết cậu ta làm gì. Một buổi tôi mon men theo Thành.
- Cậu làm gì đấy? Vừa hỏi vừa giả bộ ngó lơ chỗ khác tỏ vẻ không quan tâm lắm.
- Tôi nhặt củi. Thành trả lời gỏn lọn.
- Để làm gì?
- Nấu xôi.
Tôi phì cười: Sao thời buổi này còn dùng củi để nấu, bộ cậu không biết xài bếp ga à?”
Thành lặng im, xốc bó củi cho ngay ngắn rồi rảo bước đi về.
- Đống củi này sẽ giúp bà tôi tiết kiệm được một khoản.
- Tôi lặng người. Hóa ra Thành vẫn còn có cách giúp bà mà tôi thì thật vô tích sự. Tôi chạy theo Thành, ghé vai vác bó củi.
- Hay là nhặt thêm bó nữa đi, tớ cũng sẽ giúp mẹ tiết kiệm một khoản - Thành cười. Lần đầu tiên tôi thấy thằng bạn nhoẻn miệng cười. Dưới khuôn mặt đen nhẻm là hàm răng trắng bóng loáng. Công nhận trông Thành cười cũng rất có duyên. Hai đứa tôi hì hụi cả buổi chiều bên triền sông và thu hoạch hai bao củi to tướng. Chúng tôi ôm chiến lợi phẩm về khoe bà và bố mẹ. Tối đó hai đứa được thưởng thêm món chả trứng chiên trong bữa cơm. Chưa bao giờ tôi ăn cơm ngon đến như vậy, vừa ăn vừa len lén nhìn Thành. Hóa ra cậu bạn này cũng thú vị phết.
- Những ngày sau đó, tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với Thành và biết rằng cậu bạn của tôi rất tình cảm. Tuổi thơ của Thành lớn lên nhờ gánh xôi sáng của bà ngoại. Biết bà tuổi đã cao lại hay đau lưng, mỗi sáng Thành dậy thật sớm, nhóm bếp than rồi phụ bà chở xửng xôi ra chợ. Chiều đến cậu lại ngồi giúp ngoại ngâm nếp, lựa đậu và làm các việc vặt trong nhà. Cuộc sống của hai bà cháu rất vất vả và đạm bạc nên làm gì cậu cũng rất tiết kiệm. Đến sách học Thành cũng đi xin lại sách của người ta để bà khỏi tốn kém. Vì quá ham làm, đôi lúc Thành không còn nhiều thời gian để học bài nữa. Mỗi khi đang học thấy bà khệ nệ bưng thúng xôi là Thành lại không đành lòng liền chạy ra giúp bà ngay. Thế mà lâu nay tôi cứ nhìn bên ngoài mà đánh giá sai về cậu bạn hàng xóm. Tôi thấy mình thật có lỗi biết bao.
Ba tuần sau, mái nhà của Thành đã được lợp xong. Bữa cơm cuối cùng khi bà Chín chuyển về nhà, tự nhiên tôi thấy buồn trong bụng. Bà Chín mua miếng thịt giò thật ngon, bảo mẹ tôi:” Luộc cho tụi nhỏ ăn, mấy ngày rồi không có thịt thà, nhìn đứa nào đứa nấy buồn thiu.” Bà cười móm mém rồi xới cho tôi chén cơm đầy ắp. Tôi đột nhiên ứa nước mặt rồi nhớ lại những kỉ niệm mấy tuần qua. Lâu nay tôi đã quen với việc ăn cơm cùng Thành. Chiều chiều lại ra ven sông nhặt củi. Sáng lại ngồi phân loại đậu, giúp bà Chín nhóm than nấu xôi sáng. “Cháu xin lỗi, lâu nay cháu đã hiểu sai về Thành”.- Đột nhiên tôi nói trong bữa ăn. Bà Chín cười, vuốt tóc tôi: “Bà rất vui khi thằng Thành có thêm bạn, cháu hãy giúp đỡ nó nhiều nhé, nhất là việc học. Bà lo quá. Thằng bé thiếu thốn từ nhỏ nhưng sống rất tình cảm. Nhờ có nó, bà đỡ nhiều lắm.” Thành vẫn cắm cúi nhai cơm, mái tóc xoăn rủ kín mặt và không nói gì như ngày đầu đến nhà tôi. Nhưng lúc này sao tôi thấy thương bạn tôi quá.
Chiều hôm sau, tôi xách cặp sang nhà Thành.
- Đi lấy củi không?
- Giờ này ư, sớm vậy?
- Ừ, để về nhà còn học bài chung nữa”- Vừa nói tôi vừa giơ cuốn bài tập đại số vẫy vẫy. Như để khẳng định cho chắc chắn, tôi nói thêm:
- Từ hôm nay tớ sẽ phụ đạo cho cậu. Chiều nào tớ cũng sang học chung.”
Thành tròn xoe mắt lắp bắp chưa kịp nói gì. Không đợi cậu bạn hết ngạc nhiên tôi kéo Thành đi và tự nhũ với lòng mình sẽ cố gắng để giúp bạn nhiều hơn nữa. Bà Chín đứng trong cửa bếp vẫy tay theo hai đứa, miệng nở nụ cười thật tươi, thật hiền. Kể từ sau đó, thỉnh thoảng tôi lại kéo Thành sang nhà ăn cơm cùng. Bữa cơm dù đã đầy đủ trở về bình thường nhưng tôi chưa bao giờ thấy ngon bằng bữa cơm ngày bão. Những ngày khó khăn đã giúp tôi nhận ra nhiều điều mà lâu nay tôi không để ý, đặc biệt là về người bạn hàng xóm của tôi.