- Giới thiệu với các em đây là Ngọc Nhi, thành viên mới của lớp chúng ta!
Bọn con trai chúng tôi cứ gọi là trố mắt ra, há hốc mồm miệng vì lần đầu gặp bạn gái xinh xắn như vậy. Nhi dễ thương, tóc dài quá nửa lưng, gương mặt trắng trẻo, mắt to tròn như búp bê, lại mặc một chiếc váy đỏ trông thật bắt mắt. Đến giờ ra chơi, lũ con trai ùn ùn kéo đến chỗ Nhi để “thăm dò” thông tin cá nhân. Tuy nhiên, ngay lập tức bị cô bạn mới dội cho “một gáo nước lạnh”.
- Này nhé, tôi nói cho mấy cậu biết, tôi đến từ thành phố. Tôi chỉ học tạm ở đây nên không muốn nói chuyện với các cậu nhé!
Thực ra, đúng là Nhi có gốc thành phố, vừa mới chuyển về quê vì bố mẹ của bạn đi công tác nước ngoài. Hiện Nhi đang sống cùng với ông bà ngoại. Nghĩ là mình sẽ chẳng gắn bó với nơi đây, lại khinh thường “lũ nhà quê” chúng tôi nên cô bạn kiêu kỳ lắm, lại chẳng mấy khi hòa đồng. Trong học tập, Nhi học thuộc vào loại giỏi nhưng không bao giờ có ý giúp bạn yếu kém hơn dù trường chúng tôi rất khuyến khích các học sinh tham gia phong trào Đôi bạn cùng tiến.
Có một lần, Nhi mặc một bộ đồ rất bắt mắt đến trường khiến lũ con gái cứ xuýt xoa mãi. Nhi lại được dịp hống hách ra mặt: “Tôi mặc đẹp là điều đương nhiên, mà các cậu có cố gắng cũng không bao giờ được như tôi đâu!” Với những lời nói vô tâm, hành động vô ý thức như vậy, Nhi dần tách ra khỏi đám bạn và sống biệt lập.
Một dịp, Nhi nghỉ học hơn một tuần vì bị sốt xuất huyết. Nơi chúng tôi sống là vùng quê nghèo cách xa trung tâm nên bà ngoại Nhi phải lên huyện mua thuốc cho Nhi. Ông của Nhi thì bị đau chân chỉ ngồi một chỗ. Dù biết Nhi “xấu tính”, nhưng lớp chúng tôi vẫn vận động các bạn tổ chức từng nhóm thay phiên nhau đến chăm sóc Nhi.
Tôi giúp Nhi chép lại bài vở trên lớp. Hùng đem cam, quýt trong vườn, Hạnh góp bánh kẹo, Công không có gì mang sang thì cũng góp sức bằng cách cho đàn lợn ăn. Lũ chúng tôi còn bàn nhau đập bể ống heo, mỗi người góp một ít mua đồ bổvề nấu cháo để Nhi ăn cho chóng khỏe. Công đoạn nấu cháo mới thật lắm chuyện để nói.
Nồi cháo đầu tiên, tôi nhen một đống củi to, Bình bỏ gạo vào nồi, An đổ nước, Dương châm lửa.Và “thành quả” là bay mất cái nắp nồi vì lửa quá to, nước quá nhiều. Mặt đứa nào đứa nấy toàn là cháo nóng. Rút kinh nghiệm, lần thứ hai chúng tôi đổ nước thật ít, bỏ gia vị vào trước. Sau một thời gian vừa chơi đùa để chờ cháo sôi, chúng tôi thấy lửa ở dưới bếp bốc lên phừng phực. Hoảng quá, Dương ôm cả xô nước gần đó đổ hết vào nồi cháo đang bốc khói: “Bùmmmmm!” Cả cái nồi đất vỡ làm đôi và chúng tôi được thành phẩm “cháo rang” có một không hai. Đến lần cuối cùng, kinh nghiệm tích lũy “đầy mình”, nước và gạo đổ vừa phải. Cả bọn quyết tâm canh chừng nghiêm ngặt, chốc chốc lại mở nắp nồi để xem. Sau mấy lần “toát mồ hôi hột” vì nồi cháo, lần này tụi tôi đã có được sản phẩm bốc khói nghi ngút, vị ngon không ngờ.
Bưng cháo vào cho Nhi, cô bạn cầm tô cháo rồi nhìn chúng tôi mặt đứa nào cũng bị dính nhọ, mồ hôi bừng bừng trên trán. Đột nhiên nước mắt của Nhi lăn dài. Những ngày qua có lẽ Nhi đã hiểu được ít nhiều về “lũ nhà quê” chúng tôi. Dù hậu đậu, ngô nghê nhưng lại vô cùng tình cảm. Nhi òa lên khóc rồi mếu máo:
- “Tớ xin lỗi các cậu và cảm ơn các cậu rất nhiều. Tớ sai rồi.”
Nghe đến đây thôi chúng tôi phấn khởi vô cùng, mặt đứa nào đứa nấy “tươi rói” như hoa khi trước đó vô cùng lo sợ vì chuyện đã làm vỡ cái nồi đất.
Nhi đã đi học lại, hòa đồng hơn, vui vẻ hơn. Nhi kể nhiều chuyện thú vị về thành phố khiến chúng tôi thích thú lắm. Tuy nhiên có chuyện còn làm chúng tôi vui hơn cả là ông bà và cô bạn không hề nhắc gì đến cái nồi đất bị vỡ mà chúng tôi lén cất giấu sau vườn nhà.