Các diễn giả phát biểu tại hội thảo - Ảnh: K.A Người lớn thường áp đặt suy nghĩ cho con trẻ
Dạy con là chuyện quan trọng bậc nhất đối với các bậc cha mẹ. Mỗi gia đình có những quan điểm khác nhau nhưng rất nhiều trong số đó có vài điểm chung: nuông chiều con quá mức, không giao việc cho trẻ, ra quyết định thay trẻ, chưa lắng nghe và chia sẻ quan điểm của con…
Đây là những yếu tố triệt tiêu khả năng tư duy độc lập của trẻ cũng như đẩy trẻ vào lối sống ỷ lại, thiếu trách nhiệm.
TS Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng rất nhiều bé thiếu kỹ năng tư duy độc lập và sống thiếu trách nhiệm. Điều này có nhiều nguyên do gia đình, môi trường sống và cả nhà trường.
Về phía gia đình, nhiều cha mẹ chỉ chú trọng cho con học, ít cho con chơi, không giao việc nhà cho con, ít cho con chịu trách nhiệm. Như vậy rất bất lợi cho con. Nhà dơ đã có người khác quét, phòng bừa bộn đã có người dọn dẹp. Trẻ không tự làm gì cả sẽ hình thành thói quen ỷ lại, thiếu trách nhiệm.
Trong khi đó, rất nhiều giáo viên, phụ huynh chưa hiểu tâm lý trẻ, áp đặt suy nghĩ của người lớn khiến trẻ không dám đưa ra chính kiến của mình. Khi đọc truyện Thạc Sanh Lý Thông, khi cô giáo hỏi các em thích nhân vật nào, hầu hết học sinh sẽ thích Thạch Sanh vì đó là người tốt, ghét Lý Thông bởi đây là kẻ xấu. Tuy nhiên có học sinh cho biết mình thích Lý Thông.
Cô giáo cô liền lên tiếng ngạc nhiên: cả lớp thích Thạch Sanh sao em lại thích Lý Thông, Lý thông là người xấu. Con nghĩ lại đi, giờ thích ai? Học sinh sau đó đã trả lời thích Thạch Sanh.
Thay vì hỏi vì sao lại thích Lý Thông để học sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình thì quan điểm khác biệt của bé đã không được tôn trọng, tạo nên tâm lý e ngại và thay đổi suy nghĩ theo số đông, theo áp đặt của cô giáo.
“Chúng ta bảo bọc, chăm lo quá, không giao trách nhiệm cho con nên hầu như con không biết làm gì cả. Chúng ta cũng bị thành tích nhà trường cuốn theo vì thế o ép con học để đạt điểm cao, và phải học vẹt theo những điều có sẵn. Điều nãy dẫn đến hệ lụy trẻ không dám phát biểu ý kiến, không dám bảo vệ chính kiến, thiếu quyết đoán, để người khác quyết định thay” - bà Hồng nói thêm.
Hãy để trẻ làm việc và chịu trách nhiệm
Để hình thành tư duy độc lập và trách nhiệm ở trẻ, TS Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng muốn con có tư duy độc lập là cả một quá trình.
Hãy lắng nghe ý kiến của con, trân trọng suy nghĩ của con, đừng coi thường và vội dè bỉu ý kiến con trẻ. Trẻ con cần sống với cảm xúc và mơ ước của mình. Chúng ta hướng dẫn cách thể hiện chứ không cấm đoán. Trẻ phát biểu có gì đúng, hay thì chúng ta phải khen ngợi. Khi con có thắc mắc hãy chia sẻ ý kiến của mình và con có thể thảo luận cùng nhau. Phải giao việc và giao trách nhiệm cho trẻ, chẳng hạn việc chăm sóc bản thân, làm việc nhà và những việc liên quan đến bản thân mình.
“Tôi có gặp một tình huống thực tế. Một đứa trẻ đi ăn sáng cùng cha mẹ và bé nhất quyết không ăn. Che mẹ vẫn gọi đồ ăn và vừa ăn, vừa khen ngon. Một lúc sau bé lại đòi ăn nhưng cha mẹ không cho bé ăn và giải thích rằng, lúc nãy con đã nói không ăn nên hãy ngồi đợi chờ ba mẹ ăn xong rồi về.
Hãy tập cho bé tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình từ nhỏ. Dạy con chịu trách nhiệm với bản thân, biết bảo vệ phẩm giá của mình; có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Có thể trẻ sẽ thất bại những lần đầu nhưng đó cũng là một bài học đáng giá giúp trẻ trưởng thành hơn”, bà Hồng nói thêm.
Trong khi đó, ThS Tô Nhi A cho rằng: “Phụ huynh cần trao quyền cho con, đặt ra những yêu cầu vừa sức, không “định khuôn” phát triển cho con, hỏi con “vì sao” trước khi đánh giá. Nhưng trước tiên mỗi bậc cha mẹ nên hiểu rõ sự cần thiết để trẻ tự suy nghĩ và tôn trọng ý kiến của con, đừng để tình yêu thương bao bọc con trong định kiến của chính mình”.
Ở khía cạnh người trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, ông Christian Routin - hiệu trưởng UK Academy - cho rằng, yếu tố văn hóa có tác động rất lớn đến việc giáo dục cũng như hình thành tính cách con người. Ở Phương Đông, nếp văn hóa người nhỏ phải tôn trọng người lớn ăn sâu vào cả ứng xử hàng ngày và giáo dục. Ở nhà, ba mẹ nói gì con cái thường phải nghe theo. Tới trường, thầy nói gì học sinh ít khi phản biện.
"Đến khi tốt nghiệp đại học, đi làm ở công ty nước ngoài mới thấy sự khác biệt rõ rệt. Ở đó mỗi người đều có suy nghĩ riêng, tự đưa ra ý kiến của mình, khả năng quyết định, giải quyết vấn đề được đề cao trong khi các nhân viên người Việt lại bỡ ngỡ với việc này.
Ở UK Academy, chương trình giáo dục của chúng tôi sẽ giúp học sinh rèn luyện và phát triển các kỹ năng này, khả năng tư duy độc lập, trách nhiệm, kỹ năng đưa ra quyết định… để các em có thể hòa nhập tốt trong môi trường quốc tế", ông Christian Routin chia sẻ.
Đào tạo con người nhân văn toàn diện
Thạc sỹ Quản lý Giáo dục Lê Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc điều hành UK Academy, cho biết: “Triết lý giáo dục 5H của UK Academy bao gồm các yếu tố: Heart - cảm xúc và ứng xử tích cực, Head - tri thức và tư duy, Health - thể chất và tinh thần, Hand - thói quen và hành vi, bốn yếu tố trên tạo nên Human - con người nhân văn toàn diện. Đó là những yếu tố căn bản nhất tạo nên nền tảng phát triển cho mỗi trẻ em.
Chúng tôi khát khao xây dựng môi trường giáo dục cho các em nền tảng này, muốn vậy chỉ nhà trường không là chưa đủ. Gia đình mà trực tiếp là các bậc cha mẹ luôn là phần không thể tách rời của môi trường giáo dục. Vì vậy, chúng tôi tổ chức chuỗi hoạt động hội thảo giáo dục với nhiều chủ đề thiết thực để song hành cùng cha mẹ trên con đường tạo dựng tương lai cho con trẻ”.